Phần 7. Siddhattha Gotama chuyển luân thành bậc giác ngộ Buddha.
Sau khi nhận bát cháo sữa (người Ấn gọi là kheer), một loại thức ăn sang quý của thôn nữ Sujata dâng cúng, Siddhārtha cảm thấy tinh thần phấn chấn. Ngài vượt qua dòng Ni Liên Thiền, đến dưới cội bồ đề và lập thệ nguyện: “Nếu không chứng được đạo quả Vô thượng, thì dầu cho thân thể tan nát, Ta quyết không rời khỏi cội bồ đề này”. Sau 49 ngày đêm thiền định, Ngài chứng được Tam minh, tận trừ Tam lậu và biết rằng “Ta đã được giải thoát”. Ngài thốt lên: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, Ta không còn trở lại đời này nữa”.
Qua 4 tuần thiền định dưới cội Pipphala (Bồ Đề), chứng ngộ 3 minh là Túc Mạnh Minh, Thiên Nhãn Minh và Lậu Tận Minh. Giải đáp được bài toán giải thoát luân hồi sanh tử. Chứng ngộ Tứ đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, đưa ra con đường tu tập để đạt trạng thái Niết Bàn chấm dứt khổ đau là 8 nhánh: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định. Tiến trình chứng ngộ hoàn toàn này, thuật ngữ Pàli gọi là Abhisamaya.
Vào tuần lễ thứ 7, Ngài chứng ngộ: Chân Như tánh (Tathatà), Bất Ly Như tánh (Avitathatà), Bất Dị Như tánh (Anatathà), Y Duyên tánh (Idappaccayatà) tức Lý Duyên Khởi, Không tánh, Huyễn tánh và Bình đẳng tánh của thế giới hiện tượng. Qua tiến trình thực nghiệm tâm linh, Ngài đã chứng ngộ những điều từ trước chưa ai biết và đến nay những điều chứng ngộ của Ngài vẫn còn giá trị. Lúc đó Ngài mới thực sự chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thuật ngữ gọi là Anuttara-Sammà-Sambodhi trở thành một vị Phật lịch sử.