Ngày 20/3/2016, tại Chùa Đức Hậu - xã Nghi Đức - Thành phố Vinh, Nghệ An đã diễn ra lễ rót đồng đúc chuông (đại hồng chung) và trống đồng. Dự lễ có đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An; đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nghệ An; đại diện cơ quan thành phố Vinh, xã Nghi Đức và đông đảo nhân dân, phật tử tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Theo quan niệm Phật giáo, chuông là một pháp khí quan trọng trong chốn thiền môn. Tiếng chuông gợi mở tâm hồn trong sáng giúp mọi người trở về với chân tâm Phật tính của chính mình, xóa tan đi bao khổ đau, phiền não. Vì vậy, việc đúc đại hồng chung trong các chùa mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chuông đồng kết hợp với trống đồng tạo nên Tiếng chuông trống Bát Nhã đánh lên để cung thỉnh Phật đăng bảo tọa. Sở dĩ gọi là Bát-nhã (phiên âm của từ ngữ “prajnaa” của chữ Sanskrit có nghĩa là “trí tuệ”) vì công năng của chúng là để thức tỉnh lòng người, có khả năng đánh động tâm linh của người nghe. Đây là một nghi thức hành lễ Phật Giáo rất trang trọng.
Được sự tạo điều kiện của Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch Nghệ An, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của đông đảo phật tử, chùa Đức Hậu đã tiến hành đúc đại hồng chung và trống đồng. Đây là hoạt động rất quan trọng trong quá trình phục dựng chùa. Ước tính số đồng để đúc 2 pháp khí này lên đến gần 2 tấn.
Box: Chùa Đức Hậu, tên cổ gọi là Thiên Linh tự thuộc làng Đức Hậu huyện Chân Phúc - Châu Cửu Đức (Hoan Châu) nay là 3 xóm Xuân Hoa, Xuân Đồng, Xuân Đức thuộc xã Nghi Đức, Thành phố Vinh. Chùa được xây dựng từ thế kỉ 12, cùng với một quần thể "Tam giáo đồng nguyên" gồm: Chùa, Đền, Đình, miếu án ngự - đây đã từng là một địa chỉ văn hoá tâm linh – chính trị - xã hội của người dân thành phố Vinh và vùng lân cận. Trước kia Chùa lợp bằng tranh, chỉ có 2 gian, đến năm 1943 nhân dân đóng góp công đức tu sửa thành Chùa ngói và xây thêm một gian nữa gọi là nhà Muống. Điều đặc biệt là nhà muống này có cột hình vuông. Sau này, do chiến tranh nên chùa bị tàn phá bởi bom đạn kẻ thù, người dân cũng mất đi nơi thờ tự.
Thể theo nguyện vọng của đông đảo nhân dân, từ năm 2011, Ban Tôn giáo tỉnh và Giáo hội Phật giáo Nghệ An đã hoàn thành các thủ tục theo quy định để phục dựng lại chùa. Năm 2015, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã chỉ định Đại đức Thích Định Tuệ làm trụ trì chùa Đức Hậu. Hiện nay, trong chùa còn gian nhà gỗ đặt trong Chính điện là Gốc tích cổ nhất, đây là gian Thiêu Hương của Đền Đức Hậu, ngôi đền thờ Cao Sơn - Cao Các nằm phía Tây chùa Đức Hậu, được xây dựng từ thế kỉ XIV. Các khu vực thờ tự và hành lễ vẫn đang dựng tạm bằng hệ thống nhà mái tôn, khung thép. Kênh YouTube chính thức của báo Công An Nghệ An. Subscribe và cập nhật những tin tức mới nhất tại: https://www.youtube.com/user/baocanaonline/featured