Viêm đại tràng, triệu chứng, biểu hiện, nguyên nhân viêm đại tràng, điều trị viêm đại tràng

2016-03-10 24

Viêm đại tràng là bệnh rất hay gặp ở nước ta. Bệnh xuất hiện sau nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng ở ruột; diễn biến mạn tính, có từng đợt tiến triển.

Có nhiều nguyên nhân gây viêm đại tràng, bao gồm:

– Nhiễm khuẩn: Các loại vi khuẩn gây hội chứng lỵ như shigella, samonella…

– Nhiễm nguyên sinh động vật: Amip, lamblia.

– Nhiễm ký sinh trùng: Các loại giun sống ký sinh ở đại tràng như giun đũa, giun kim, giun tóc và các loại sán ruột.

– Chế độ ăn uống: Ăn uống không điều độ kéo dài hoặc các thức ăn gây kích thích, tổn thương niêm mạc ruột.

– Táo bón kéo dài.

– Viêm đại tràng thứ phát sau các bệnh khác của hệ tiêu hóa.

Biểu hiện bệnh rất đa dạng:

– Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Đi ngoài phân lúc táo, lúc lỏng. Phân thường nát, không thành khuôn, đi từ 2 đến 6 lần trong ngày. Bệnh nhân thường cảm thấy không thoải mái sau khi đi đại tiện, hay có cảm giác mót rặn muốn đi nữa.

– Bụng trướng hơi: Khu trú dọc khung đại tràng, bệnh nhân luôn cảm thấy căng tức, khó chịu.

– Đau bụng: Là triệu chứng viêm đại tràng hay gặp. Đau âm ỉ ở phần dưới bụng hoặc dọc khung đại tràng. Đau tăng sau khi ăn và trước khi đi đại tiện. Sau khi trung tiện hoặc đại tiện thì đau giảm hơn.

– Tình trạng toàn thân ít thay đổi. Nếu có thay đổi chỉ gặp ở người luôn lo lắng về tình trạng bệnh tật của mình hoặc ăn uống quá kiêng khem.

Các bài thuốc
(Các bài thuốc dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo, không nên tùy tiện sử dụng, nên điều trị theo chỉ định của bác sĩ)
– Viêm đại tràng thể đại tiện lỏng: Nam mộc hương, bạch chỉ, sâm đại hành mỗi thứ 40 g. Tất cả sao vàng, tán bột, ngày uống 10 g, chia hai lần, hòa nước sôi uống.

– Viêm đại tràng co thắt, đại tiện táo: Bồ công anh (nấu thành cao) 100 g, nam mộc hương 60 g, thảo quyết minh 50 g. Hai vị sao vàng, tán bột, hòa với cao bồ công anh, làm thành viên. Ngày uống 10-15 g, chia hai lần.

– Viêm trực tràng, đi ngoài ra máu: Bột quả tơ hồng 20 g, hoa hòe 30 g, hoa kinh giới 20 g. Các thứ trên sao đen tồn tính, lòng đỏ trứng gà (luộc chín) 1 quả, phèn phi 5 g, sáp ong 15 g. Lấy lòng đỏ trứng đánh tơi cho vào sáp ong, khuấy đều với các bột trên, làm thành viên. Ngày uống ba lần, mỗi lần 5 g.

– Rối loạn tiêu hóa, người mệt mỏi ăn kém: Bố chính sâm, bạch truật, biển đậu, ý dĩ sao, hạt sen mỗi thứ 12 g, vỏ quýt 6 g. Tất cả sao vàng, tán bột, ngày uống 30 g, chia ba lần, hoặc sắc uống ngày một thang.

Để phòng viêm đại tràng, cần tìm nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời; giữ vệ sinh ăn uống, nên ăn điều độ và cân đối khẩu phần ăn. Không ăn thức ăn ôi thiu và thức ăn bảo quản lạnh quá lâu. Ngoài ra, cần giữ tinh thần ổn định, không lo lắng quá nhiều đến bệnh.

Bạn nên đi khám chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Free Traffic Exchange