Lương Y Võ Hoàng Yên tại Chùa Việt Nam , Houston, October 5, 2014 . Website:www.vohoangyen.com e-mail: cusithienvan@gmail.com
Video by Truc Vo Phone: 832 475 4772 . E- mail: trucvovi@gmail.com
Tấm lòng lương y Võ Hoàng Yên
Có một chuỗi ngày tuổi thơ đầy vất vả, nghèo khó, lương y Võ Hoàng Yên (SN 1975, quê thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cũng từng bán máu của mình để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Sau khi phát tâm cái nghiệp thầy thuốc của mình, ông cũng vượt qua không ít ngang trái cuộc đời để hướng tấm lòng mình đến với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo mắc phải những chứng bệnh không may mắn: Câm điếc, bại liệt, thoái hóa cuộc sống…
Tuổi thơ nghèo khó và cái nghiệp tình cờ
Ngồi bên tách trà tại căn nhà do chính lương y Yên thuê đã nhiều năm nay tại Q.8, TP.HCM, ông đã từ từ kể về cuộc đời mình. “Hồi đó, nhà tôi nghèo lắm, nhà dột cột xiêu, nhiều bữa phải nhìn mẹ mình chèo ghe mượn từng lon gạo mà lòng tôi rưng rưng nước mắt. Thời đó, gia đình đông anh em nên cảnh thiếu ăn thường xuyên diễn ra. Có lúc anh em tôi phải ăn độn chuối chác, trái bình bát, cọng bông súng, củ co cho đỡ đói”.
Không chỉ thiếu cái ăn, ông còn kể về những ngày tháng thiếu cả cái mặc. “Anh em đông nhưng chỉ có vài cái quần đùi, đứa mặc buổi sáng, đứa mặc buổi chiều. Sau đó, đến tối, lại giặt sáng lại thay vòng”-ông nhớ lại. Cũng do thiếu cái ăn, cái mặc nên cha mẹ đã gửi ông vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước, huyện Cái nước, tỉnh Cà Mau) để nhờ các nhà sư cưu mang. Đến năm 16 tuổi, lúc đó ông đang học lớp 9 thì ở luôn trong chùa và tập ăn chay trường.
Trong thời gian này, ông Yên thường xuyên bị đau ở vai và cột sống rất khó chịu, một người quen quê ở An Giang đến thăm chùa đã chữa trị bằng cách bấm huyệt và căn bệnh của ông khỏi hoàn toàn. Thấy hiệu quả của đông y, ông trăn trở tại sao không học cách bấm huyệt để chữa bệnh cho người nghèo? Từ suy nghĩ đó, ông quyết tâm xin các sư trong chùa chỉ dạy cách day ấn huyệt, bốc thuốc Nam… Trong thời gian này, ông đã học về cách bắt mạch. Được sự dạy dỗ của các thầy, cộng với sự dày công tự học, ông đã tự xây dựng cho mình phương pháp chữa bệnh kỳ diệu.
Hiệu quả nhìn thấy rõ nhất là năm 2006, ông đã chữa trị khỏi bệnh cho bạn bè, người thân. Sau đó, ông cảm thấy vui sướng hơn bao giờ hết. Để nâng cao cách trị bệnh hiệu quả của mình, ông đã tự trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức y học cổ truyền và đã chữa thành công nhiều căn bệnh được liệt vào hạng “nan y” như liệt nữa người, liệt toàn thân nhưng còn khả năng cứu chữa, thoái hóa cột sống và câm điếc (dạng có khả năng điều trị được) và các bệnh khác về hệ xương khớp.
Vượt qua nhiều ngang trái
Cái nghiệp cứu người của mình là thế nhưng ông vẫn gặp không ít ngang trái cuộc đời. Ngay cái thời còn là sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM, ông cũng từng bán máu mình để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Ông kể: “Cái thời đó, tôi nghèo lắm, có lúc tìm 500 đồng để gửi xe cũng khó. Có lúc tôi đã từng đứng tại một ngã tư ở Q.1, TP.HCM ăn xin 21 người nhưng chẳng ai cho đồng nào. Sau đó, tôi biết số phận mình không phải kiếp ăn mày".
Sau khi biết hoàn cảnh của ông, các nhà sư ở TP.HCM lại tiếp tục cưu mang ông. Trong thời gian này, ngoài việc đèn sách, ông học thêm và tự hoàn thiện phương pháp trị bệnh của mình. Ông kể: “Nhiều khi tôi muốn bỏ hẳn cái nghiệp này cho khỏe cái thân nhưng thấy người nghèo khổ đến van xin, nhờ giúp đỡ nên lòng cầm không đặng. Tôi nghĩ cứu người như cứu hỏa, biết mà không làm, không giúp là có tội, là bất nhân, bất nghĩa, còn làm thì bất hợp pháp vì không có giấy phép hành nghề, do vậy tôi bị phát nhiều lần. Có lần biết tôi về thăm nhà, một số bà con đã nhờ bấm huyệt. Một vài trường hợp bại liệt được tôi giúp đỡ hồi phục đã đồn đoán thế nào đó mà cả trăm người kéo đến nhà tôi. Sau đó, tôi bị phạt vì tội chữa bệnh không xin phép. Mẹ phải chạy đôn chạy đáo bán đôi bông tai để đóng phạt cho tôi”.